Top 7 chiêu thức thể thuật bá đạo khi sử dụng cấm thuật "Bát Môn Độn Giáp" _ AnimeMoba: Naruto

Với Bát Môn Độn Giáp, người dùng có thể đột phá tới đẳng cấp của Kage.

Như chúng ta đã biết, cặp đôi thầy trò Guy và Rock Lee đã trở thành những hình tượng vô cùng lớn về thể thuật trong Naruto. Cùng với Cấm thuật Bát Môn Độn Giáp (Hachimon), họ có thể phá vỡ giới hạn và đạt tới sức mạnh sánh ngang những cường giả về nhẫn thuật trong 1 khoảnh khắc. Vậy những chiêu thức tất sát họ thường dùng cùng Bát Môn là những chiêu gì, hãy điểm lại qua bài viết này nhé.

Đầu tiên, chúng ta sẽ nói qua về thuật Bát Môn trong Naruto. Bát môn là 8 điểm trên hệ tuần hoàn chakra của ninja, chúng giới hạn dòng chảy chakra trong cơ thể con người giúp cơ thể không bị suy nhược quá sớm. Bát môn chi thuật là kỹ năng kiểm soát các điểm chakra này và có thể mở đóng tùy ý.

Các cổng chakra trên cơ thể.

Khi những cổng trong hệ thống Bát Môn được mở sẽ khiến con người có thể vượt qua những giới hạn cơ thể của chính họ, tuy nhiên cơ thể có thể chịu những tổn thương nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến mất mạng. Đây có thể xem là chiêu tủ của thầy trò Maito Guy và Rock Lee, do sự tập luyện điên cuồng cùng sở trường thể thuật của họ. 

1. Biểu Liên Hoa (Omote Renge)

Chiêu thức Biểu Liên Hoa.

Biểu Liên Hoa đòi hỏi người sử dụng phải mở cổng thứ nhất trong Bát Môn, khiến cho sức mạnh thể chất tăng lên gấp năm lần bình thường. Đó là cổng Khai Môn, giúp loại bỏ việc não kiềm hãm sức mạnh cơ bắp, giúp người thi triển đạt lên đến 100% sức mạnh (trong khi bình thường, con người chỉ có thể sử dụng 20% sức mạnh cơ bắp).



Tiếp đến, người thi triển sẽ đá văng đối thủ lên không trung và thi triển Ảnh Vũ Diệp. Một khi đã bắt kịp được phía sau lưng đối thủ như chiếc bóng, anh ta sẽ khóa chặt họ lại và đâm bổ xuống đất theo tư thế trồng cây chuối, trong lúc đâm sẽ xoay tròn họ với tốc độ cao như một cơn bão nhỏ. Do dụng đến một cổng trong Bát Môn nên người sử dụng sẽ xuống sức rất nhanh sau khi hoàn thành chiêu thức, chính vì vậy mà nó còn được gọi là "con dao hai lưỡi". Biểu Liên Hoa có thể được thực hiện đồng thời trên nhiều mục tiêu khác nhau.

2. Lí Liên Hoa (Ura Renge)

Lee khi sử dụng Lí Liên Hoa.

Lí Liên Hoa là phiên bản cao hơn với sức công phá mạnh hơn của Biểu Liên Hoa. Thuật này đòi hỏi người sử dụng phải mở ít nhất 3 cổng chakra trong Bát Môn, tức đạt tới Sinh Môn (nằm tại tủy sống, giúp gia tăng sức mạnh và tốc độ của người dùng). Đồng thời, cơ thể người sẽ hóa ra màu đỏ do lực các dòng máu tăng lên.

Tiếp đến, anh ta sẽ đá văng đối thủ lên không trung và liên tục tấn công bằng tốc độ phi thường. Cú đánh quyết định và cũng là cú đánh uy lực nhất sẽ gồm chưởng-cước song hành, khiến cho đối thủ ngã bổ xuống mặt đất và chịu tử thương do tốc độ và sức phá hoại rất lớn.


Trong Naruto the Movie 3: Guardians of the Crescent Moon Kingdom, Lee đã sử dụng một đoạn dây xích từ nhị khúc côn để thay cho lớp băng quấn quanh cổ tay làm nhiệm vụ ném đối thủ lên không trung. Cậu đã đặt tên cho chiêu thức này là Cương Lôi Liên Tỏa.

Bởi có nhiều cổng chakra được mở cùng lúc nên thuật này chỉ được sử dụng một lần: người thi triển thường sẽ không thể đứng vững nổi sau khi hoàn thành đòn tấn công. Lee đã phải chịu dư chấn này sau khi thi triển Lí Liên Hoa lên Gaara và bị lớp phòng thủ cùng hệ tấn công tầm xa của cậu ta phản kích lại.

3. Triều Khổng Tước (Asa Kujaku)

Triều Khổng Tước là thể thuật tất sát được sáng tạo bởi Guy. Nguyên lí của thuật này là gia tăng năng lực của bản thân một cách nhanh chóng thông qua việc mở lần lượt các cổng trong Bát Môn đến cổng thứ sáu, khi đạt ngưỡng sẽ tấn công hạ gục đối thủ bằng vô vàn cú đấm thần tốc. Cổng thứ 6 này gọi là Cảnh Môn, nằm tại dạ dày, giúp gia tăng tốc độ và sức mạnh của người dùng. Mở cổng này giúp giải phóng lượng năng lượng khổng lồ, đến mức khiến cho những vùng có nước gần đó sẽ tạo ra những lốc xoáy quanh người dùng.


Thuật được khởi động bằng một cước đá văng đối thủ lên trời, bản thân một cước này đã đủ nặng để giết chết tức khắc nếu nạn nhân là người thường. Người sử dụng sau đó sẽ nhảy đuổi theo bằng thân pháp đặc thù rồi tung quyền đấm đối thủ liên tục.


Các cú đấm này cực kì nhanh, nhanh đến mức chúng tự bốc thành lửa trên cánh tay của đấu sĩ bởi tốc độ và ma sát quá lớn. Ngọn lửa lan ra tạo thành một quầng lửa lớn như đuôi của chim khổng tước bao quanh đối thủ. Khi chuỗi quyền kết thúc, đối thủ sẽ bị đánh hạ xuống mặt đất, cơ thể bị bao vây bởi hỏa khí của đòn tấn công. Đây là một chiêu thức thể thuật vô cùng mạnh, trong chiến đấu nó có thể khiến Vĩ thú khổng lồ như Lục Vĩ Saiken phải lùi lại trong phút chốc.

4. Trú Hổ (Hirudora)

Trú Hổ, trái ngược với vẻ ngoài giống nhẫn thuật khi thi triển, vốn chỉ là một chiêu thức thể thuật có bản chất là một cú đấm cực kì nhanh. Chiêu này yêu cầu phải mở đến cổng thứ 7 trong Bát Môn, tức Kinh Môn, nằm dưới dạ dày, giúp tăng thêm tốc độ và sức mạnh cho người dùng.

Những người mở cổng này sẽ tiết ra mồ hôi màu xanh phát quang trên cơ thể, và ngay lập tức bốc hơi do chính nhiệt lượng trong cơ thể của họ, tạo ra một lớp khí màu xanh khiến người khác hiểu nhầm đó là chakra. Tuy nhiên, mở Kinh Môn khiến các sợi cơ trên người bị xé nát, gây ra cơn đau đớn kinh khủng nếu bất cứ thứ gì chạm vào họ.


Sau khi mở Kinh Môn, để thi triển thì trước đó phải đặt một bàn tay lên ngang mặt, các ngón tay khép thẳng lại, lòng bàn tay hướng về phía trước chạm vào bàn tay kia đã thu thành nắm đấm, dấy lên áp lực không khí cực lớn quanh người. Tiếp đến, võ giả thiết lập một thủ ấn đặc trưng trông giống như hình con hổ, trông giống như ấn "Đấu" (Tou, nghĩa là "chiến đấu"), hay còn gọi là "Ngoại Sư Tử Ấn" (Gejishi-in, nghĩa là "ấn sư tử bên ngoài") trong Cửu Tự Ấn (Kuji-in).



Ấn này hướng cột áp lực khí giáng thẳng lên đối thủ trong hình dạng đầu hổ. Áp lực không khí tiếp tục nén đặc lại trên đường di chuyển và được tập trung lại trong một điểm duy nhất. Thuật sẽ nổ theo hiệu lệnh của người thi triển, áp lực khí tích tụ khi này được giải phóng trong tích tắc tạo ra một vụ đại bộc phá với phạm vi còn lớn hơn cả Đảo Rùa của làng Mây. Dư chấn của vụ nổ có thể lan rất xa và thậm chí có thể còn gây ảnh hưởng đến những người cách đó vài kilomet.

5. Tịch Tượng (Sekizou)

Tịch Tượng là một bộ chiêu thức thể thuật cấm cấp cao được thực hiện bởi những ai đã mở cả tám cổng trong Bát Môn. Đó là cổng cuối nằm tại tim - Tử môn, được gọi là "Bát Môn Độn Giáp Trận" (Hachimon Tonkou no Jin). Khi cổng này được mở, máu của người dùng sẽ phát ra luồng khí đỏ bốc lên như ngọn lửa rực, bốc ra từ tất cả lỗ chân lông trên cơ thể. Mở cổng này, tất cả năng lượng của cơ thể sẽ được bộc phát, tim sẽ đập với tần số tối đa, vượt xa sức mạnh của những cổng khác. Người dùng sẽ tạm thời tăng sức mạnh lên gấp trăm lần so với bình thường, vượt xa Ngũ Đại Kage.


Thuật này là một chuỗi liên hoàn năm cú đấm được gọi là "ngũ túc", mỗi "túc" (soku) sau lại nhanh hơn "túc" trước nó. Các chiêu thức tạo ra luồng chân không của không khí bị đè nén đến mức thấp nhất, mang hình dáng như chân của một con voi và gây ra thương tích vô cùng nghiêm trọng cho đối thủ. Bản thân mỗi cú đấm đã có thể đập xuyên vào lòng đất thành những hố cực rộng và sâu hàng kilomet. Với khí lực dồn lại, cú đấm cuối cùng thậm chí còn đập vỡ được lớp bảo vệ chakra bằng Cầu Đạo Ngọc của Madara.

6. Dạ Gai (Yagai)

Dạ Gai là thể thuật cấm ở đẳng cấp cao nhất, có hình dạng như một con rồng đỏ rực. Đây là chiêu thức chỉ có thể thực hiện bởi những ai đã mở hết tám cổng trong Bát Môn và là đòn tấn công mạnh nhất của Maito Gai, cũng là chiêu thức "tự mở đường chết cho chính mình".

Khi Gai kích hoạt chiêu thức, cơ thể anh tỏa ra một lượng cực lớn chakra. Sau khi tập trung chúng lại quanh cơ thể mình - tạo thành một lớp khí hình con rồng - Gai phóng về phía trước với tốc độ cực điểm khiến không gian xung quanh bị bẻ cong, tạo cơ hội cho anh đột phá hàng phòng thủ của kẻ địch.


Sau đó, Gai giáng một cước vô cùng mạnh với lực phá hoại vô cùng khủng khiếp, có thể phá nát bấy cơ thể đối thủ và cũng làm xương chân của anh vỡ vụn. Sau đòn tấn công là hậu quả nặng nề dẫn đến cái chết, cơ thể Gai dần dần vỡ ra thành bụi do đã giải phóng cùng lúc tất cả chakra, cứ như đã đốt cháy rụi cơ thể từ trong ra ngoài.

7. Trận Thế Cánh Cung (Kakuyoku no Jin)

Ngoài 6 chiêu thức vừa rồi, trong Naruto The Last còn xuất hiện 1 chiêu thức tổ hợp từ nhiều thành viên khi mở cổng thứ 6, có tên là Kakuyoku no Jin. Bảy thành viên của đội do Rock Lee dẫn đầu sẽ cùng nhau lao lên bầu trời, dùng sức mạnh chakra giải phóng của Cảnh Môn mà tạo nên hào quang màu xanh, tựa như 1 lưỡi gươm hình cánh cung sắc bén có thể cắt cả thiên thạch khổng lồ.

Trên đây là 7 chiêu thức mà có thể được thi triển nhờ Bát Môn Độn Giáp. Liệu chúng ta có thể thấy thêm nhiều chiêu thức như vậy hơn nữa trong tương lai không? Hãy theo dõi Boruto và chờ đợi nhé!